Trong kiến trúc cảnh quan, mọi không gian hay các cảnh vật thiên nhiên đều được phân thành 3 lớp không gian: cận cảnh, trung cảnh và viễn cảnh. Một trong những giá trị tuyệt vời nhất của kiến trúc truyền thống nhà Nguyễn chính là phương thức tổ chức tạo các lớp không gian theo trục và áp dụng linh hoạt trong quá trình xây cất công trình cũng như tạo dựng cảnh quan đô thị Huế để phân chia thành nhiều khu vực khác nhau. Đây cũng là điều mà du khách thăm Huế nên lưu ý để khám phá được trọn vẹn vẻ đẹp cố đô.
Trục thần đạo là đặc điểm rất quan trọng trong kiến trúc truyền thống từ thời Lý- Trần (Hoàng Thành Thăng Long, Đền Lý Bát Đế, Văn Miếu Quốc Tử Giám…), và được khẳng định rõ nhất trong kiến trúc cung điện, lăng tẩm, đình chùa thời triều Nguyễn… Việc tổ chức các lớp không gian trên trục thần đạo ở kinh thành Huế diễn ra bởi quá trình thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, công năng sử dụng, yếu tố phong thuỷ, quy luật thẩm mỹ, điều kiện văn hoá, các giai đoạn phát triển lịch sử,…
Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội
Đền Lý Bát Đế – Bắc Ninh
Tổng thể đô thị Huế được hình thành bởi các lớp không gian của dòng sông Hương, núi Ngự Bình đóng vai trò minh đường và bình phong cho Kinh thành; cồn Hến và cồn Dã Viên là hai yếu tố tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ theo nguyên tắc phong thuỷ. Điều đó cho thấy vị trí Kinh đô Huế được chọn lựa rất kỹ, bao gồm đầy đủ các đặc trưng địa lý như: sông, núi, đồng bằng và cả các nét cảnh quan đặc trưng.
Bố cục theo chiều sâu tạo nên các lớp không gian giúp định hướng đồng bộ các công trình chính đều quay mặt ra hướng tốt. Đặc điểm này được tạo ra do việc tuân thủ nghiêm ngặt quy luật đăng đối theo những tuyến thẳng và quy luật phong thuỷ của tổng thể kiến trúc. Từ điện Thái Hoà, Ngọ Môn, đến Kỳ Đài, hộ Thành hào, Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình,… thể hiện rất rõ điều này. Tạo ra lớp không gian sân vườn đan xen giữa các công trình giúp điều hòa vi khí hậu cho các công trình; hành lang, hàng hiên, hàng cột cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Đại Thành Môn – Huế
Nghênh Lương Đình – Huế
Chùa Linh Mụ – Huế
Nhờ cấu trúc lớp không gian có trục định hướng, tổng thể quy hoạch Kinh thành Huế gồm nhiều lớp vòng thành hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghiêm của chế độ phong kiến. Lớp không gian tạo sự chuyển động, nhịp điệu trong kiến trúc truyền thống, tạo điểm nhấn và hình ảnh đặc trưng trong không gian đô thị (Kỳ Đài, Ngọ Môn,…), đồng thời phân cấp tầm quan trọng của các không gian kiến trúc (từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa).
Lăng Tự Đức – Huế
Lăng Minh Mạng – Huế
Các lớp không gian biểu hiện sự cảm nhận thẩm mỹ theo phương ngang rất đặc trưng của Huế. Nhìn chi tiết hơn, nhịp điệu các lớp mái tạo ra bởi sự thay đổi đa dạng của cấu trúc gỗ truyền thống, cấu trúc bộ vì kèo đem lại vẻ đẹp của sự biến hóa sinh động trong không gian nội thất.
Ngày nay, phương thức tổ chức này vẫn có thể ứng dụng vào thiết kế kiến trúc hiện đại, nhằm xây dựng kiến trúc Việt nam có bản sắc. NTND
Liên hệ