Môi trường xung quanh là yếu tố rất quan trọng để chủ đầu tư và nhà thiết kế cân nhắc khi thiết kế quy hoạch spa, vì nó tác động lớn đến các chương trình trị liệu và hiệu quả hoạt động của spa. Các spa nằm cạnh suối khoáng hay biển tạo nên nét độc đáo về mặt vị trí, lẫn các dược liệu tự nhiên đặc trưng nơi đây. Công trình kiến trúc và sân vườn gồm lối đi, lẫn chòi nghỉ tạo nên hình ảnh một spa thư giãn. Các yếu tố thiết kế sẽ ảnh hưởng đến loại hình, cũng như đến các trang thiết bị tiên tiến, tạo nên giá trị tổng thể của spa.
Spa nên được thiết kế với tiện nghi thoải mái, tổ chức hiệu quả, và cần kết hợp với các hoạt động khác của khu nghỉ dưỡng. Nó nên có bãi đậu xe riêng cho khách, và tạo thuận lợi cho người khuyết tật nữa.
Spa không cần quá rộng. Các spa thành công có tổng diện tích từ 900 mét vuông trở xuống.
Các nhà thiết kế nên quan tâm đến các yếu tố sau khi quy hoạch spa.
Các chương trình ở spa:
– Đắp thảo mộc, massage, chăm sóc da mặt, toàn thân để làm đẹp, trẻ hóa và sức khỏe
– Luyện tập toàn thân
– Giảm cân
– Trị bệnh xương khớp
– Giảm stress
– Điều trị chứng thương thể thao ( do tập luyện tennis, ski, golf…)
– Huấn luyện phong cách sống hoặc điều chỉnh hành vi ứng xử
– Thư giãn và Luyện Yoga
Thời lượng cho các chương trình này kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 1 hay 2 tuần, thậm chí lâu hơn.
Mặt Bằng Bố Trí Izba Spa – Quebec, Canada
Một số không gian điển hình ở spa:
– Sảnh đón và khu tiếp tân
– Khu spa ướt và khu spa khô cùng với các phòng trị liệu
– Khu chăm sóc y tế, vật lý trị liệu
– Phòng thay đồ và tủ đựng đồ (locker)
– Khu rèn luyện sức khỏe phục vụ các bài tập aerobics, thể hình, có các thiết bị như máy tập tạ, máy căng cơ, máy chạy bộ, và máy đạp xe đạp…
– Phòng tập có gương dành cho các bài tập aerobics, khiêu vũ, căng cơ, yoga và nhảy sào…
– Phòng đào tạo nhân viên. Nó rất quan trọng bởi vì dịch vụ spa luôn cần các nhân viên trau dồi tay nghề giỏi
– Sân tập: bóng rổ, cầu lông và squash
– Thư viện
– Câu lạc bộ cho khách, đặc biệt là cho các khách dài hạn.
– Hồ bơi ngoài trời và sân quần vợt
– Cửa hàng bán các sản phẩm spa
– Nhà hàng và bar phục vụ nước trái cây
– Văn phòng ban quản lý, phòng chuyên môn, phòng y tế và phòng cho nhân viên hành chánh
– Phòng giặt ủi
– Phòng chứa sản phẩm vệ sinh, sản phẩm trị liệu, khăn tắm, khăn trải giường…
Hoạt động của spa tạo ra lượng lớn sản phẩm giặt ủi và tác động tới bộ phận quản gia và bảo trì. Việc thành lập bộ phận hậu cần (Back of House) riêng phụ thuộc vào quy mô, tình hình cụ thể và kế hoạch tích hợp các hoạt động nghỉ dưỡng nơi đó.
Mặt Bằng Bố Trí Mimpi Spring Spa – Bali, Indonesia
Lối vào và khu vực tiếp tân
Hành lang nên thiết kế bắt mắt, rộng rãi, để từ cổng vào (hoặc hành lang) của khu nghỉ dưỡng có thể dễ dàng nhìn thấy bên trong. Thiết kế của khu vực tiếp tân, với các khu chức năng của spa nên hài hòa và không che khuất lối vào spa.
Khách được tư vấn chương trình trị liệu tại quầy tiếp tân. Phòng tư vấn, cửa hàng và shop bán sản phẩm spa nằm cạnh khu vực tiếp tân. Đa số phòng trang điểm, làm tóc và làm móng nằm gần hành lang tiếp khách.
Spa
Spa có hai khu chức năng: ướt và khô. Từ phòng thay đồ đi vào khu ướt thường được chia thành nam nữ một cách nhẹ nhàng bằng khu vực jacuzzi và hồ bơi chung.
Khu ướt gồm có:
– Bể nước lạnh và nóng (plunge pool)
– Bể nước nhỏ (surge pool)
– Bể phun dưới mặt nước (under water jet pool)
– Phòng tắm hơi (steamath)
– Phòng xông khô (sauna)
– Phòng tắm sử dụng bông tắm thực vật (loofah room)
– Bể nước xoáy
– Bồn tắm có thể ngâm mình
– Bồn tắm nước thuốc
– Bể bơi ngoài trời
– Bồn tắm nước khoáng (nếu có)
– Phòng tắm vòi sen
– Phòng vệ sinh
Phòng trị liệu ướt nên gần nguồn nước, có thể nhìn ra sân vườn hoặc hồ bơi ngoài trời, đồng thời nên được thiết kế thành cụm giúp khách di chuyển theo chương trình trị liệu riêng của họ để tắm hơi, tắm bể và ngâm mình một cách thuận tiện. Phòng giữ đồ và khu ướt nằm một phía, còn các phòng trị liệu khô, phòng nghỉ nằm phía còn lại.
Phòng Trị Liệu
Các chương trình trị liệu rất khác nhau, ngay cả các hình thức trị liệu tương tự có thể có tên gọi khác nhau ở mỗi spa. Nhìn chung có các dạng sau: massage thảo mộc, tắm bùn, tắm bằng tảo biển, tắm bằng bông tắm thực vật(scrub), xông hơi, bấm huyệt, chăm sóc da…. Diện tích trung bình từ 16 đến 20 mét vuông, tùy theo loại hình luyện tập hoặc thư giãn mà có thể thiết kế thêm phòng tắm nắng.
Phòng Nghỉ
Phòng nghỉ cần được sử dụng linh hoạt. Các khu nghỉ dưỡng hàng đầu thường có nhiều phòng nghỉ rộng hơn và ít nhất 5 đến 10 % số phòng có thiết bị dành cho phục vụ người khuyết tật. Thậm chí tại các spa trị liệu đặc biệt còn có nhiều phòng hơn phục vụ cho người khuyết tật. NTND
Liên hệ