Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành (TTCI) 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2013. Đó là dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch nước nhà.
Việt nam được thiên nhiên ưu đãi với hơn 3.000 cây số bãi biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, chưa kể hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với sản lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi cho hàng hải lẫn hàng không, cũng như văn hóa lại đa dạng, Việt nam luôn coi ngành du lịch biển là một thế mạnh. Thế nên, nhu cầu về chỗ lưu trú và giải trí cho du khách là vô cùng lớn.
Vậy, trong bối cảnh “rừng vàng biển bạc” như thế, ngành thiết kế kiến trúc phục vụ du lịch Việt nam đi về đâu!?
Xu hướng kiến trúc du lịch những năm qua
Theo tạp chí Kiến trúc Việt nam, những công trình kiến trúc công cộng có giá trị ở nước ta trong hơn 20 năm qua được chia ra làm hai xu hướng kiến trúc chính:
– Xu hướng kiến trúc hiện đại: hình khối đơn giản, vật liệu mới gần với kiến trúc thế giới. Xu hướng này tập trung vào các công trình thể thao, cao ốc văn phòng, khách sạn nội thành.
– Xu hướng khai thác yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa vào các thành phần kiến trúc; xử lý hình khối, màu sắc và sử dụng vật liệu theo truyền thống.
Các khu nghỉ mát, khách sạn, nhà nghỉ ở các tỉnh ven biển miền Trung do nước ngoài đầu tư đã thành công theo xu hướng thứ hai này. Ví dụ như: Furama, The Nam Hai, Victoria,… dọc bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam; An lâm Ninh Vân Bay, Six Sences ở Nha Trang,… Chúng hướng đến những kiến trúc truyền thống là các khu nhà thấp tầng với mật độ xây dựng thấp để đưa khách gần với thiên nhiên, tránh xa cái náo nhiệt thường nhật của đô thị như bố trí những ngôi nhà cổ với mái ngói; tường gạch; cột, kèo bằng gỗ mang vẻ cổ kính, tự nhiên. Tuy nhiên, các phòng đều được thiết kế biệt lập, cộng thêm những thiết bị tiện nghi hiện đại. Công năng không chỉ đáp ứng cho nhu cầu thư giãn, giải trí mà còn phục vụ cho các dịch vụ khác như hội thảo, hội nghị, luyện tập thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, … Ngoài ra, mỗi công trình có phong cách kiến trúc riêng rẽ mang lại hiệu quả cao về đầu tư và thẩm mỹ.
Chủ đầu tư chủ yếu là liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nên thường áp dụng theo tiêu chuẩn của các tập đoàn quản lý quốc tế và đơn vị thiết kế kiến trúc, quy hoạch được chọn cũng là KTS “ngoại”. Thế nhưng, một số đơn vị thiết kế nước ngoài áp dụng cái nhìn chủ quan, chưa đúng về văn hóa bản địa, có thể gây hiểu lầm, ví dụ như đem họa tiết trang trí Thái Lan vào nhà Việt, chỉ bởi lí do công ty thiết kế là người Thái. “Điều đó được so sánh như việc nhờ một KTS người Mỹ tái hiện một ngôi biệt thự cổ điển kiểu Pháp tại Đông Dương.” Trong khi đó, các đơn vị thiết kế trong nước với kiến thức bản địa tốt cùng sự may mắn mới được góp phần trong việc gia công bản vẽ xây dựng, nên khó lột tả được hết tiềm năng vốn có.
Chưa khai thác hết lợi thế
“Cũng theo báo cáo TTCI trên, trong 4 tiêu chí, Cơ sở hạ tầng du lịch của Việt nam bị đánh giá thấp nhất: 2,9 điểm (thang điểm từ 1 – 7). Bên cạnh là, môi trường du lịch Việt nam được 4,6 điểm; chính sách được 3,7 điểm; các nguồn tự nhiên và văn hóa được 3,2 điểm. Xét các chỉ số phụ, du lịch Việt nam được đánh giá cao ở giá cả cạnh tranh khi ở vị trí thứ 22/141 quốc gia. Chỉ số bị đánh giá thấp nhất là về phát triển bền vững khi hoạt động du lịch với vị trí 132/141 quốc gia.”
Theo (TS. KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng) Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì “công tác đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh resort tại nhiều địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập”.
Cùng với cơn lốc phát triển resort ồ ạt trước đây, sự thiếu quy hoạch tổng thể phát triển theo vùng có tiềm năng trên địa bàn làm xuất hiện các resort có cùng tính chất hoạt động, vừa đơn điệu vừa rất giống nhau về sản phẩm làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả và phát triển vững bền của các resort trong cùng khu vực, như Mũi Né chẳng hạn. Ngoài ra, do quỹ đất bị chia nhỏ, nhiều resort đã lấn biển, làm cho bãi biển ngắn đi, xâm hại cảnh quan thiên nhiên, thậm chí không có biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường chung quanh, nhất là môi trường biển… Một số KTS và chủ đầu tư trong nước phải gánh trách nhiệm vì những bản thiết kế vội vã và hám lợi này.
Trong khi đó, để xây dựng và phát triển các khu du lịch chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng du lịch theo đúng yêu cầu và mục tiêu đặt ra thì đòi hỏi những giải pháp mang tính phối hợp đồng bộ đa ngành từ quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng, phát triển du lịch, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý kinh doanh đến quản lý an toàn, trật tự xã hội…
Nhìn chung, những đơn vị thiết kế khu nghỉ dưỡng trong nước thành danh đã có, nhưng rất ít, và không tập trung hoặc có khả năng liên kết để dành chiến thắng trên sân nhà. Mặt khác, hình khối kiến trúc đơn giản, vật liệu mới được khai thác hiệu quả đang trở thành một xu hướng tích cực trong thiết kế khu nghỉ dưỡng nước ta. Điều đáng mừng là các KTS Việt có nhiều điều kiện hơn để tiếp thu nền kiến trúc quốc tế, thành tựu công nghệ, do đó đã nâng tầm sáng tạo lên nhiều hơn. Điều này không phải dễ có được như ở thời kỳ trước đó.
Thời khắc cho tư duy
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, tin “vắng khách” ở các resort trung cao cấp được nghe nhiều. Khả năng phản ứng linh hoạt trong kinh doanh dịch vụ và luồng khách trong nước đã trở nên cứu cánh cho những resort nhạy bén. Đây là giai đoạn tĩnh lặng giúp các nhà thiết kế, chủ đầu tư, lẫn các cơ quan chức năng trong nước có cơ hội suy nghĩ, tạo điều kiện cho nhau để tìm ra những “món ăn” mới lạ thực sự bổ dưỡng và hợp khẩu vị hơn cho những du khách ngày càng đòi hỏi cao, khai thác đúng lợi thế tiềm năng to lớn của du lịch Việt nam. NTND
Liên hệ